Tintuc

Du lịch miền Trung – Tây Nguyên: Đã đến lúc “xắn tay áo vào làm việc”

Du lịch miền Trung – Tây Nguyên: Đã đến lúc “xắn tay áo vào làm việc”

(Cadn.com.vn) – Phát biểu tại diễn đàn Du lịch miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 10-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những hạn chế của ngành du lịch đã nói nhiều và bây giờ là thời điểm để “xắn tay áo vào làm việc” đúng như tinh thần của Thủ tướng chỉ đạo và nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch.

Với chủ đề “Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”, diễn đàn là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6–2017, thu hút sự tham gia của 19 tỉnh thành MT-TN, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch.


Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, MT-TN là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Với 19 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, thuộc không gian của 3 vùng du lịch là Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, MT –TN là địa bàn phát triển du lịch sôi động nhất cả nước. Thời gian qua, sự phát triển sôi động của du lịch MT-TN đã đưa lại kết quả đáng ghi nhận về lượng khách, doanh thu và đóng góp việc làm cho xã hội… Tuy nhiên, du lịch MT-TN thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Du lịch MT-TN cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như hệ thống sản phẩm du lịch còn trùng lắp giữa các địa phương, tính mùa vụ trong du lịch, quản lý điểm đến còn chưa chuyên nghiệp.Mạnh ai nấy làm du lịch

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì tiềm năng của du lịch MT-TN vẫn còn lớn nhưng chưa được tận dụng tốt. Kể câu chuyện về một du khách người Nhật ngạc nhiên khi một người lái xe taxi ở Việt Nam xin những đồng tiền thừa sau chuyến đi, ông Trần Đình Thiên cho rằng, đó là biểu hiện của việc làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, theo hướng ăn xổi. “Chúng ta thiếu định hướng chiến lược phát triển du lịch hướng tới đẳng cấp cao. Chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch Việt Nam như một tổng thể liên kết. Phát triển du lịch theo lối “mạnh ai nấy làm”, phân tán, manh mún. Nhiều địa phương khai thác lợi thế tự nhiên một cách tự nhiên, chưa phải khai thác một cách đẳng cấp, có tầm, chưa thoát khỏi chiến lược du lịch hướng tới sản lượng khách. Trong khi đẳng cấp chưa cao, nguồn lực có hạn thì lại có phong cách chộp giật, tính ăn xổi”, ông Thiên nhìn nhận.

TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, việc đầu tư cho du lịch của Việt Nam nói chung và các tỉnh thành MT-TN nói riêng chưa tương xứng với định hướng đặt ra. Ông Lịch kể, trong một lần đến Thái Lan, một quan chức nước này nói với ông rằng: “Làm du lịch là sự kết nối giữa các con tim với nhau”. “Điều đó có nghĩa là làm du lịch phải mang tính cộng đồng và cần phải có trái tim mới làm được. Muốn du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư xứng đáng, tập trung vào quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Hiện chúng ta đang dàn trải du lịch, mỗi địa phương có một hướng phát triển riêng nhưng chẳng có hướng phát triển trọng tâm cho vùng. Khu vực MT-TN có quá nhiều tiềm năng, nhưng vấn đề là phải biết chọn điểm độc đáo để đầu tư, xây dựng thương hiệu riêng trong tổng thể chung thì mới không mờ nhạt. Hiện nay, có tình trạng nhiều công ty du lịch làm ăn gian dối, bắt tay với nước ngoài làm bậy, làm sai, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Chúng ta phải kiên quyết loại bỏ, quản lý thật chặt để ngành du lịch không có đất cho những đối tượng xấu làm ăn gian dối, để những đối tượng này tồn tại thì du lịch không phát triển được” – ông Trần Du Lịch cảnh báo.

Thời điểm để “xắn tay áo vào làm việc”

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những hạn chế của ngành du lịch đã nói nhiều và bây giờ là thời điểm để “xắn tay áo vào làm việc” đúng như tinh thần của Thủ tướng chỉ đạo và nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến 4 vấn đề du lịch MT-TN cần tập trung vào thực hiện trong thời gian đến là kết nối thực chất, tháo gỡ rào cản phát triển du lịch, đầu tư nguồn nhân lực và sự tham gia của các hiệp hội du lịch, cộng đồng. “Chúng ta cần phải kết nối thực chất. Tôi hoan nghênh Quảng Nam đã có ý tưởng kết nối với các địa phương khác, điều này được thể hiện trong đêm khai mạc Festival Di sản Quảng Nam, không chỉ giới thiệu về mình mà còn quảng bá cho nhiều địa phương. Khi kết nối một cách thực chất thì sẽ khắc phục được câu chuyện bắt chước, không na ná nhau khi làm du lịch, mà mỗi địa phương, mỗi vùng sẽ tìm ra cái độc đáo của riêng mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về việc phải tìm mọi cách tháo gỡ tất cả những vướng mắc, rào cản hiện nay để phát triển du lịch cộng đồng, cũng như đầu tư nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển. “Đẳng cấp nghe ra rất cao sang nhưng thực ra đó là những nét riêng có của mình. Không phải độc đáo chỉ để dành cho du lịch rẻ tiền, đến lúc nào đấy người ta sang Việt Nam không phải để ở các khách sạn 5-6 sao, người ta sang để tìm thứ mà người ta không tìm được ở các nơi khác. Ngoài tự nhiên, MT-TN có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, mình cùng kết nối các điểm độc đáo đó để bổ trợ cho nhau. Kết nối thứ hai tất cả toàn dân cùng làm, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng làm, hiện nay có một số tập đoàn lớn sẽ là sợi dây để cùng nhau tăng cường tính kết nối phát triển du lịch. Không có ai làm du lịch bằng cộng đồng, bây giờ đừng nghĩ đến chuyện nhà nước thu thuế từ du lịch mà chúng ta nghĩ người dân làm du lịch để nâng cao đơn sống. Vì vậy chúng ta cần tháo bỏ tất cả những vướng mắc đang làm hạn chế du lịch cộng đồng. Tinh thần quản lý nhà nước phải tháo gỡ chứ không phải quản chặt, hướng dẫn tạo điều kiện để ngành du lịch phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

 

Facebook Comments